Tác giả Trúc Thiên giới thiệu tập truyện ngắn Mình gọi nhau là cưng

adminmp

Sáng chủ nhật ngày 17/11/2019, NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM tổ chức buổi ra mắt sách “Mình gọi nhau là cưng” của tác giả trẻ Trúc Thiên với talkshow chủ đề:“Giữ tiếng cưng trên từng năm tháng” tại sân khấu chính Đường sách TP.HCM.

Nhà văn, nhà báo Phương Huyễn dẫn dắt buổi giao lưu

Tập truyện ngắn “Mình gọi nhau là cưng” với 15 lát cắt số phận mang hơi thở hiện đại xoay quanh chủ đề tình yêu. Xuyên suốt tập sách, người đọc như được hòa mình, được sống trong không gian thấm đẫm tình người qua từng áng văn ấn tượng như:  Hạt thương nảy mầm; Duyên lãnh; Bữa trà cuối năm; Người biết thương người; Đàn ông, đàn bà, trà và cà phê; Ngày đất xanh lành; Thất tình, hãy đến yêu tôi; Mình thương nhau đi; Mình gọi nhau là cưng…

Độc giả sẽ tìm thấy những mảnh tình vừa sâu lắng vừa khuấy động theo diễn tiến của tình yêu được tác giả Trúc Thiên khéo léo cài đặt tinh tế qua từng câu chữ nhẹ nhàng như nói hộ tâm tình của nhân vật. Với truyện Hạt thương nảy mầm, cái tình được gieo và không ngừng nuôi dưỡng hy vọng Cứ gieo thật nhiều giống tốt trên quãng đường mình đi qua. Rồi ắt có ngày, từ đó hạt thương sẽ nảy mầm. Chỉ khi con người ta biết thương nhau mà sống. Mọi điều trong cuộc đời này mới nhẹ như không”. Có những người dưng nước lã, thương cảm và cứu lấy đời nhau mà không toan tính, tình thương cứ thế lớn dần thành tình yêu tự khi nào không biết.Giờ họ là người nhà, là mái ấm của đời nhau.

Mình gọi nhau là cưng xóa đi những rào cản trong lối suy nghĩ hay quan niệm lạc hậu trong tình yêu. Tuổi biết yêu đâu chỉ dành cho những chàng trai cô gái mới lớn, những người đàn ông và đàn bà độ tuổi chín chắn trong tình yêu. Có những người vì gồng gánh khó khăn gia đình mà không thể nắm tay tình yêu của đời mình, người yêu đành phận báo hiếu sang ngang về nhà chồng vì món nợ của cha như truyện Mình thương nhau đi. Trên thế gian này còn có người vì thương yêu quá nên cứ hoài yêu để nuôi hy vọng người thương dành cho mình một cơ hội lại được bên cạnh người yêu và đứa bé của nàng trong truyện Cuối mùa điên điển. Ở khoảng đời xế bóng heo may, người đàn ông may mắn gặp được người phụ nữđể gá nghĩa cùng nhau mà gọi nhau bằng hai tiếng “cưng ơi”, thay vì ngại trước lời dị nghị thì ông bình thản trước các con cháu trong nhà và đượm tình hơn với bà:“Đâu còn bao nhiêu năm nữa bây nghe tao gọi bả là cưng ơi”. Tình yêu bản chất là không tồn tại tuổi tác, càng yêu thương càng tìm đường ở bên nhau.

Tác giả Trúc Thiên luôn biết nỗ lực làm mới, làm một phép thử đặt cơ hội lại cho những nhân vật từng vuột mất yêu thương hay trót lầm lỡ nếu họ vẫn hoài thương và bền ý với tình yêu. Độc giả sẽ bước vào thế giới nội tâm của nhân vật, sự đa dạng trong không gian của ngôn từ, bối cảnh mở ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt… với những số phận không bao giờ là bi đát, càng đọc càng thấy thú vị.Chỉ cần nghĩ trong cuộc đời, mọi thứ dù nặng hay nhẹ thì cứ nghĩ theo một hướng tích cực mà sống.

Tác giả Trúc Thiên

Mình gọi nhau là cưng mang những cung bậc yêu thương, có hạnh phúc ngọt ngào, có chia phôi chát đắng, có bình yên lẫn giông bão. Là những ngày gió biết cười, tình lại chung đôi. Là những mùa đằng đẳng chênh chao. Là nắm trong lỡ làng và buông xót xa. Là tuổi trẻ bôn ba kiếm tìm tình yêu đã vuột mất. Là tuổi xế chiều, tóc hoa râm vẫn biết trân trọng tình yêu không ngại trước tiếng đời dị nghị.

Trong truyện Người biết thương người, tình cũ dẫu có đối mặt, dù tình vẫn còn đau nhưng nên gạt sang một bên, ngày xưa người bỏ ta vì ích kỷ của tuổi trẻ, một người choàng lấy khi ta tuyệt vọng. Cơ hội đã khép lại vĩnh viễn: “Cuộc đời này, luôn có những cánh cửa mà chúng ta không nên gõ nó. Hãy để nó đóng im mãi mãi. Vì yêu thương không nằm phía sau cánh cửa đó. Yêu thương nằm trong trái tim của chính chúng ta.”

Dù là gì hay như thế nào, sau tất cả, tình yêu, vẫn luôn tồn tại trên khắp cõi nhân gian này, dù ở bất cứ nơi nào, dù có đi đâu và về đâu, chẳng có khoảng cách vùng miền, địa vị, tuổi tác… Giản đơn mà nghĩ suy, tình yêu tựa như loài cỏ dại, vẫn luôn sinh sôi qua bao bận mưa gió nắng nôi.

NXB VHVN TP.HCM