“ÔNG HOÀNG OST” VICTOR VŨ THỔI HỒN MỚI CHO KHÚC DÂN CA ‘BÈO DẠT MÂY TRÔI’

adminmp

Người Vợ Cuối Cùng hiện đang nhận được những đánh giá khá tích cực từ khán giả về cả phần nghe và phần nhìn chỉn chu, giàu cảm xúc.

“Ông hoàng OST” Victor Vũ thổi hồn mới cho khúc dân ca ‘Bèo Dạt Mây Trôi’

Vốn được biết đến là một đạo diễn mát tay trong việc chọn lựa chất liệu âm nhạc cho các bộ phim của mình, Victor Vũ tiếp tục nối dài danh sách những bản OST chất lượng với Bèo Dạt Mây Trôi trong Người Vợ Cuối Cùng. Đây vốn là một bài hát dân ca Việt Nam với nội dung thể hiện nỗi nhớ người yêu ở phương xa. Đến với Người Vợ Cuối Cùng, đạo diễn Victor Vũ dùng lời bài hát này để ẩn dụ cho mối tình ngang trái giữa Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn). Dù cùng ngụ tại Làng Cua Ngộp, cả hai sẽ khó lòng mà đến được với nhau khi giờ đây Linh đã là mợ Ba nhà hào môn.

“Ngẫm một tin trông, hai tin đợi ba bốn tin chờ, sao chẳng thấy đâu…” Mỗi lần ca khúc này được vang lên là một lần khán giả phải thổn thức về về những rào cản ngăn cách Linh và Nhân. Giọng hát trong trẻo và giàu cảm xúc của nữ ca sĩ Thùy Chi khiến phiên bản Bèo Dạt Mây Trôi mới của Victor Vũ mang thật nhiều nét vương vấn, khắc khoải của một mối tình buồn.

Nỗ lực làm mới ‘rượu cũ” bằng một chiếc bình mà không phải ai cũng dám chế tác

Một số khán giả cho rằng nửa đầu của Người Vợ Cuối Cùng mang đến cảm giác khá dài và chậm, tuy nhiên đây lại chính là chủ đích của đạo diễn Victor Vũ. Người Vợ Cuối Cùng vốn là phim chính kịch cổ trang và chú trọng vào yếu tố tâm lý, do đó những lớp nền để giải thích cho sự phát triển của cảm xúc nhân vật là điều cần thiết. Từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” thời phong kiến, chuyện quan sai lộng quyền ức hiếp dân lành đến chuyện tình yêu thanh mai trúc mã của Linh và Nhân, cảnh Linh nặng nề lên xe hoa làm thiếp nhà quan,… đều được Victor Vũ miêu tả kỹ lưỡng. Hơn nữa, những chi tiết này còn là khúc dạo đầu cần thiết để có thể mở ra hồi hai hấp dẫn không kém những bộ phim phá án Hollywood.

Các bộ phim tình cảm thường bị coi là “rượu cũ” vì chúng có nhiều tình tiết quen thuộc: yêu nhau từ bé, vì nhiều lý do bất đắc dĩ mà xa nhau, gặp lại và yêu lại từ đầu giữa những rào cản,… Tuy nhiên, điểm yếu thuộc về thể loại này được bù đắp bằng chuyên môn điện ảnh chắc chắn của Victor Vũ: hình ảnh đẹp, diễn biến hợp lý, càng về hồi kết càng dồn dập hấp dẫn và một kết thúc dễ chịu. Kết hợp yếu tố lãng mạn và phá án vào một tác phẩm cổ trang, đây là một chất liệu mà không nhiều nhà làm phim hiện nay dám khai thác.

Mỗi nhân vật là một câu chuyện và thông điệp khác nhau

Người Vợ Cuối Cùng là bộ phim sở hữu tuyến nhân vật dày, được thủ vai bởi nhiều diễn viên từ cả hai miền Bắc – Nam: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, Đinh Ngọc Diệp, Anh Dũng, Quốc Huy,… Đây là một yếu tố từng được đưa ra phân tích nhiều trước khi bộ phim ra mắt. Nhiều người nghi ngại sự pha trộn về giọng vùng miền sẽ khiến Người Vợ Cuối Cùng không toát lên được chất làng quê Bắc Bộ, người khác lại cho rằng sẽ có nhiều chênh lệch về năng lực diễn xuất giữa lớp diễn viên gạo cội và trẻ trung.

Tuy nhiên, những quan ngại ấy đã được Victor Vũ tìm cách hóa giải hợp lý. Trong Người Vợ Cuối Cùng, Linh đại diện cho những cô gái trẻ thời phong kiến, vì vô số quan niệm cổ hủ mà buộc phải “chín ép”, trưởng thành sớm hơn tuổi thật. Linh đã hy sinh tuổi xuân và ước mơ riêng của mình để đổi lại sự yên bình cho gia đình.

Nhân vật Nhân là ẩn dụ cho tầng lớp dân nghèo bị áp bức dưới cường quyền phong kiến. Dù đang oằn mình gánh chịu thiên tai, họ vẫn phải nai lưng lao động và đóng sưu thế không sót một đồng. Đến tình yêu mà anh dành cả thanh xuân để nâng niu cũng bị chà đạp dễ dàng chỉ trong một phút giây quan trên “nhắm trúng” nhan sắc xinh đẹp của Linh, không có cách nào chống cự.

Quan tri huyện (NSƯT Quang Thắng) là hình ảnh tiêu biểu của sự quyền lực đến nực cười của chế độ “quan phụ mẫu”. Mọi luật pháp đều có thể bị hắn ta nhúng tay bẻ cong, hắn hả hê và hạnh phúc trên xương máu của người dân nghèo. Song, hắn cũng có sự “bất lực” riêng khiến đường quan lộ bị chặn đứng.

Bà Cả (NSƯT Kim Oanh) là ví dụ điển hình cho hoàn cảnh “phụ nữ đối đầu” thời xưa. Không phải là họ không hiểu cho nỗi khổ của phận đàn bà con gái, nhưng sự sủng hạnh dành cho người này ắt hẳn là nỗi âu lo của người kia. Và bà Hai (Đinh Ngọc Diệp) dù sắm cho mình một tính cách vô tư, nhưng nhiều khi cũng buộc phải nhắm mắt đưa chân theo những việc đã rồi.

Thầy đề Thiện Lương (Anh Dũng) không hề thiện lương như cái tên của mình, trái lại còn là một kẻ lươn lẹo, độc ác. Có điều, chính Linh cũng phải nhận xét rằng đó cũng chỉ là cách để hắn ta tồn tại giữa phủ quan đầy cạm bẫy. Thám tử Kiên (Quốc Huy) lại là một biến số thú vị mà Victor Vũ cài cắm vào hồi hai của Người Vợ Cuối Cùng, khiến mọi mảnh ghép trở nên hợp lý và giúp bộ phim chuyển sang màu sắc phá án hấp dẫn.

Có thể thấy, dù có sự chênh lệch về kỹ thuật diễn xuất của các diễn viên nhưng Victor Vũ đã đo ni đóng giày sự hợp vai cho từng người. Rất khó có thể so sánh ai diễn tốt hơn ai bởi mỗi nhân vật đều có một vai trò riêng, cùng theo đó là câu chuyện phù hợp để làm dày cho thông điệp cá nhân.

Về giọng nói, đạo diễn Victor Vũ đã cố gắng phổ thông hóa thoại phim để mọi khán giả đều có thể tiếp cận dễ dàng. Như đã từng chia sẻ, Victor Vũ chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói, và cách diễn viên thổi hồn vào câu chuyện mới là điều khiến khán giả tin vào những gì diễn ra trên màn ảnh rộng.

 SAIGONDAILY MEDIA