Nổi tiếng với việc “mát tay” khi sản xuất hàng loạt dự án hoạt hình ăn khách, xưởng phim đình đám Illumination mùa lễ hội này đem đến cho khán giả tác phẩm Nhà Vịt Di Cư (tựa gốc: Migration). Câu chuyện xoay quanh nhà vịt Mallard từ bỏ cuộc sống trong ao nước nhỏ để thực hiện một chuyến trú đông để đời. Hứa hẹn những phút giây vui vẻ, truyền tải thông điệp ấm áp, Nhà Vịt Di Cư còn chứa đựng hàng loạt bí mật hậu trường cực bất ngờ dành cho người xem.
Nhà Vịt Di Cư kể câu chuyện về gia đình Mallard cùng chuyến di cư mà họ sẽ nhớ mãi. Khi nhà vịt an yên trong cái ao nhỏ ở thành phố, mẹ Pam (do Elizabeth Banks lồng tiếng) thuyết phục người chồng không thích rủi ro Mack (Kumail Nanjiani) đưa bọn trẻ (Caspar Jennings và Tresi Gazal lồng tiếng) làm một chuyến tới tận Jamaica xa xôi.
Tuy nhiên, điểm dừng hỗn loạn ở thành phố New York nhanh chóng làm kế hoạch của họ đổ bể. Dàn diễn viên lồng tiếng còn có sự góp giọng của Awkwafina, Keegan-Michael Key, David Mitchell, Carol Kane và Danny DeVito.
Tác phẩm hoạt hình kịch bản gốc sau 7 năm
Bộ phim thứ 14 của Illumination Nhà Vịt Di Cư cũng đánh dấu 7 năm kể từ Sing (2016), xưởng phim cho ra đời một dự án phim độc lập không dựa vào bất kỳ câu chuyện nào đã có trước đó. Illumination nổi tiếng với việc sản xuất các bộ phim hoạt hình thân thiện với gia đình, và việc đem đến một câu chuyện nguyên bản như Nhà Vịt Di Cư cho phép các nhà làm phim tự do sáng tạo với những chủ đề mới mà không bị hạn chế bởi nguyên tác có sẵn. Điều này cũng tạo nên những khúc quanh bất ngờ và hồi hộp cho khán giả bởi chúng ta sẽ chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới.
Tạo hình siêu ngầu của nhà vịt
Các nhà làm phim rất tỉ mỉ trong việc khắc họa hình ảnh của các loài chim trong Nhà Vịt Di Cư. Đạo diễn Benjamin Renner đã tự tiến hành những nghiên cứu cụ thể về chuyển động của loài vịt để đảm bảo độ chính xác cũng như phản ánh được vẻ đẹp của loài gia cầm này.
Câu chuyện của Nhà Vịt Di Cư được kể hoàn toàn dưới góc nhìn của loài vịt, vì thế, con người trong phim được khắc họa như mọi loài sinh vật khác xuất hiện trong phim, và chúng ta không thể hiểu được ngôn ngữ của họ. Quyết định này cho phép các nhà làm phim có thể tạo ra một trải nghiệm sống động hơn, nơi người xem có thể cùng chung cảm giác ngạc nhiên và bối rối với lũ vịt khi chúng khám phá New York.
Vịt thậm chí còn được đưa vào studio cho các họa sỹ nghiên cứu – từ cách chúng bơi, chúng di chuyển cho tới lao xuống nước hay đi lên từ dưới nước. “Đó là một trải nghiệm khá thú vị khi đưa những chú vịt vào tham quan xưởng phim.” Renner nói. “Chúng tôi đã tụ tập thành vòng tròn ở bãi đỗ xe và lũ vịt được đặt vào giữa. Thật kỳ quặc vì lúc đó vịt trở thành trung tâm của sự chú ý và chúng tôi đang đứng quan sát trong im lặng. Chúng tôi đã có những thước phim ghi lại khung cảnh đó. Vịt là một loài gia cầm bình thường, và tôi thấy chúng thật hài hước dễ gần, đặc biệt là mỗi khi chúng gắt gỏng, kêu “quạc quạc” rồi bỏ đi.”
Âm nhạc đỉnh cao từ nhà soạn nhạc được đề cử Oscar
Âm nhạc sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh cảm xúc của Nhà Vịt Di Cư cũng như kết nối khán giả với câu chuyện này. Nhà soạn nhạc từng nhận đề cử Oscar John Powell đảm nhận trọng trách đem đến những giai điệu không thể quên cho tác phẩm. Powell trước đó đã từng viết nhạc cho phim hoạt hình The Lorax của Illumination cùng một số dự án hoạt hình khác như How to Train Your Dragon hay Kung Fu Panda.
“Phụ trách âm nhạc cho Nhà Vịt Di Cư là một trải nghiệm tuyệt vời đối với tôi.” Powell chia sẻ trong lần đầu phối hợp với đạo diễn Benjamin Renner. “Khi mới nghe tin về bộ phim này và biết được Benjamin Renner sẽ giữ cương vị đạo diễn, tôi đã chắn chắn rằng đây sẽ là một phim hoạt hình cực kỳ đặc biệt. Tôi từng rất yêu thích “Ernest & Celestine”, vì thế, cơ hội được hợp tác với anh ấy mới tuyệt vời làm sao. Nhà sản xuất Chris Meledandri, người mà tôi đã quen biết nhiều năm, đã mời tôi tham gia triển khai dự án này. Chris là một nhà làm phim tài ba, những hiểu biết của anh ấy về hoạt hình và nghệ thuật kể truyện luôn truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tạo. Vì thế, tái hợp với anh ấy là một điều mà tôi chẳng phải suy nghĩ nhiều trước khi đưa ra quyết định.”
Thay vì trực tiếp miêu tả những vùng đất mà nhà vịt Mallard ghé qua trên chặng đường phiêu lưu của mình, âm nhạc cùa Nhà Vịt Di Cư chú trọng đề cập tới hành trình cảm xúc mà các nhân vật này đã có.
Powell đã sử dụng một vài đoạn nhạc chủ đề chính, và phát triển những chủ đề này theo tiến trình của chuyện phim nhằm phản ánh những trải nghiệm và sự trưởng thành của các nhân vật. “Một trong số những thách thức lớn nhất đặt ra chính là viết nhạc cho phân đoạn cuối của bộ phim.” Powell thừa nhận. “Những giai điệu này cần phải thể hiện được những thay đổi trong tính cách của các nhân vật, niềm vui khi được sải cánh vút bay, của những chặng đường phiêu lưu khám phá, và quan trọng nhất là tầm quan trọng của việc thay đổi. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo rằng âm nhạc sẽ phản ánh được những biến đổi trong tâm lý của các nhân vật cũng như chiều sâu cảm xúc của hành trình mà họ trải qua.”
NHÀ VỊT DI CƯ (tựa gốc: MIGRATION) khởi chiếu vào tháng 29.12.2023.
SAIGONDAILY MEDIA