Nhắc đến Đức Tuấn, giới mộ điệu sẽ ngay lập tức nghĩ đến giọng hát nổi bật trong thế hệ đương thời những ca sĩ theo đuổi nhạc trữ tình, nhạc xưa, đặc biệt được yêu thích trong dòng nhạc Phạm Duy – với một vị trí hàng đầu không thể phủ nhận, khi anh đã mang lại cho các tác phẩm kinh điển của nhạc sĩ đại thụ này một sức sống mới, một tinh thần mới, để những bài hát ấy sau nhiều năm trở lại, đã ngay lập tức có được lượng khán giả mới đông đảo, những người trẻ của hôm nay.
Nhưng không chỉ có nhạc Phạm Duy, Đức Tuấn tiếp tục cuộc chinh phục lãnh địa nhạc xưa với những tác phẩm kinh điển của những tác giả lừng lẫy. Từ Phạm Đình Chương, tới Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Từ Công Phụng, và mới nhất, là một sản phẩm âm nhạc độc đáo, đưa tiếng hát Đức Tuấn đến với những tình khúc vang bóng và đã là tiếng lòng, là tâm hồn của bao người yêu nhạc: Những nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh.
Tại sao lại nói đây là sản phẩm độc đáo, trong khi nhạc của Trần Thiện Thanh đã rất quen thuộc với công chúng từ hơn nửa thế kỷ qua? Đó là bởi Đức Tuấn đã tìm ra một cách tiếp cận hiếm ai nghĩ tới với dòng nhạc của người nhạc sĩ – ca sĩ tài ba, người từng là thần thượng của không chỉ một thế hệ người yêu nhạc.
Trước khi nói về cách tiếp cận đó, xin được nói một chút về Trần Thiện Thanh và âm nhạc của ông.
Trần Thiện Thanh có một sự nghiệp song hành. Bên cạnh là một nhạc sĩ với những bản tình ca mà ở thời điểm vàng son nhất trong sự nghiệp sáng tác, đó là những “big hit” cho nhiều ca sĩ đương thời, ông còn là một ca sĩ nổi tiếng, một trong “tứ trụ nhạc vàng”: Duy Khánh – Hùng Cường – Chế Linh và ông – ca sĩ kiêm nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh. Dù cả 3 người kia cũng đều có sáng tác ca khúc giống như ông, nhưng Trần Thiện Thanh có con đường sáng tác rực rỡ hơn cả, đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất, ăn khách nhất trong thập niên 60, kỷ nguyên vàng của dòng nhạc bolero và nhạc tình đô thị lãng mạn.
Những bài hát của Trần Thiện Thanh, dù được viết theo tiết điệu nào, bolero thời trang hay slow rock cầu kỳ hoặc ballad êm ái nhẹ nhàng, thì đều có điểm đặc trưng là giai điệu tuyệt đẹp và lời ca chau chuốt. Vì thế, sau này để phân loại các phong cách âm nhạc trước năm 75, người ta thường xếp nhiều bài hát của ông vào dòng “nhạc sang” và một số ca khúc thịnh hành khác thì là “sến sang” với hàm ý là cho dù sáng tác theo trào lưu, chẳng hạn với bolero, thì nhạc của Trần Thiện Thanh vẫn có vị trí rất riêng nhờ ở tài viết giai điệu cầu kỳ và lời ca tinh tế. Cũng chính vì thế, mà nhạc của Trần Thiện Thanh không bị sa vào thế chỉ được một phía các ca sĩ chọn thể hiện, mà những bài hát của ông được từ các tượng đài bolero như Phương Dung, Thanh Tuyền, Hương Lan, Chế Linh, Duy Khánh… đến các giọng ca thượng thặng của dòng thính phòng, tiền chiến như Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú…tới cả các thần tượng nhạc trẻ như Elvis Phương, Thanh Lan, Khánh Hà… chọn biểu diễn, và trở thành những phiên bản chuẩn mực.
Vì thế, nhạc Trần Thiện Thanh, thoạt nhìn vào tính đại chúng của những bài ca ông viết, cho cảm tưởng là dễ tiếp cận, dễ hát, dễ được thích, nhưng thực sự rất khó, bởi cái bóng của các thế hệ đi trước quá lớn, nếu chỉ đi theo những chuẩn mực mọi người đã xác lập, thì cũng chỉ là những bản sao mờ nhạt. Vì thế rất hiếm các ca sĩ thế hệ sau này dám làm nguyên một album nhạc Trần Thiện Thanh. Thường chỉ là các tuyển tập được các trung tâm băng nhạc hải ngoại gom lại từ nhiều bản thu âm đơn lẻ để đáp ứng nhu cầu công chúng, bởi cái tên Trần Thiện Thanh qua thời gian vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn.
Và đó là bài toán khó cho Đức Tuấn khi chọn nhạc Trần Thiện Thanh cho một album tác giả – tác phẩm mới của mình, sau các album thành công với nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương và Từ Công Phụng.
Là ca sĩ trong nước duy nhất từ sau năm 1975 đến nay thực hiện riêng một album nhạc Trần Thiện Thanh, bản thân điều đó đã là thách thức cho riêng Đức Tuấn cũng như một dấu hỏi cho công chúng, những người đã quá quen với những dấu ấn lớn của các danh ca với dòng nhạc này. Vì thế, Đức Tuấn và các cộng sự đã mất nhiều thời gian để tìm ra một lối đi khác vào không gian âm nhạc của Trần Thiện Thanh, vừa giữ được vẻ đẹp vốn có của những bài hát ấy, giữ được cái chất hào hoa sang cả mà Trần Thiện Thanh đã đưa vào những bài hát tưởng như rất bình dân của mình; lại vừa đưa được những bài hát ấy đến được với khán giả của ngày hôm nay, nhất là những người trẻ, trong khi lại không được bỏ quên lớp khán giả trưởng thành vốn rất yêu những bài ca ấy.
Như lời chia sẻ trên bìa CD, đây là tâm niệm của Đức Tuấn và những người tham gia làm nên album này:
Những bài hát ấy xứng đáng có một chỗ đứng trong hiện tại và tương lai với tất cả những nét tươi tắn, hào hoa, lịch lãm… đã được con người tài hoa ấy mang tới cho cuộc đời này.
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sẽ trở lại trong những câu chuyện tình được kể bằng một trái tim tuổi trẻ, trong đó, những người yêu nhau đến với nhau bằng ngọn lửa tình sẵn sàng cháy hết, cháy cạn cho một cuộc tình, cho dù có phải mang thương đau, cho dù phải trả giá bằng cả một kiếp sống.
Và cuối cùng, sự pha trộn khéo léo giữa Traditional Pop, Soul và Jazz, đã được lựa chọn cho cuộc phiêu lưu âm nhạc lạ lùng nhất của Đức Tuấn kể từ lúc bắt đầu khởi sự làm ca sĩ tới bây giờ. Những bài hát của Trần Thiện Thanh, dù được viết bằng tiết điệu nào, kể cả bài hát đậm đà âm hưởng dân ca Nam Bộ như Chiếc áo bà ba đã được đặt trong một không gian âm nhạc hoàn toàn mới lạ so với những gì trước đây mọi người đã quen.
Nhạc sĩ Thanh Tâm, người sản xuất âm nhạc cho album này, đã cùng Đức Tuấn làm ra một album, đưa âm hưởng Soul/Jazz vô cùng độc đáo, hòa cùng những chất liệu âm nhạc đã rất quen thuộc, người nghe sẽ thấy rất lạ khi mới bắt đầu nghe, nhưng ngay sau đó sẽ lại thấy những gì mình đã quen xuất hiện thấp thoáng trong những bản hòa âm được soạn rất cầu kỳ theo các phong cách Orchestral, Soul, Acoustic, Jazz, World… tất nhiên làm cho các bài hát này đều lạ hơn hẳn so với tất cả các phiên bản trước đây, nhưng lại không khó nghe, thậm chí có những bài rất “nịnh tai” với phần dàn dây (String Section) được soạn rất đẹp, du dương, gợi nhớ tới những album Easy listening/Jazzy kết hợp dàn nhạc giao hưởng kinh điển của Natalie Cole hay Diana Krall.
Album gồm những bài hát hay nhất và phổ biến nhất của Trần Thiện Thanh như Mùa đông của anh, Trên đỉnh mùa đông, Khi người yêu tôi khóc, Hàn Mạc Tử, Hoa trinh nữ, Lâu đài tình ái, Chuyện hẹn hò, Tình đầu tình cuối… đến những bài ít phổ biến hơn như Yêu, Yêu người như thế đó. Bài hát Chiếc áo bà ba, ca khúc hiếm hoi âm hưởng dân ca của Trần Thiện Thanh được cho vào phần bonus như một thử nghiệm thú vị khác lạ.
Với album này, Đức Tuấn đã mời được một thần tượng trong nghề ca hát của mình cùng song ca, đó là danh ca Hương Lan, với 2 ca khúc: Trên đỉnh mùa đông và Chiếc áo bà ba, một sự kết hợp cũng rất bất ngờ với 2 tiếng hát trước nay vẫn được coi là thuộc về 2 trường phái khác hẳn nhau. Nhưng trong những bản phối đặc biệt, nhất là bài Chiếc áo bà ba có thể coi là một bản world music đẳng cấp cao, hai giọng hát vô cùng hòa quyện, vừa như hai nhạc cụ ăn ý mà vẫn là hai tiếng hát với 2 cá tính riêng biệt.
Vẫn còn nhiều bất ngờ trong album này, trong từng bài hát, đang chờ khán giả trải nghiệm. Một cuộc phiêu lưu âm nhạc kỳ thú cho cả ca sĩ, nhà sản xuất, và khán giả.
Tựa album được trích từ ca từ bài hát Tình đầu tình cuối mang hàm ý chỉ cần một ngày được yêu, thì đời có buồn tới đâu, cũng đáng sống. Và Đức Tuấn đã mang tinh thần ấy vào cuộc phiêu lưu âm nhạc này. Những bài hát đã được nghe, được yêu từ lúc thiếu thời, nay đã tới lúc trở thành nguồn cảm hứng để tiếp tục con đường âm nhạc vẫn còn rất dài.
M.Thuận