Các người mẫu nhí có đang bị “ép chín” tại các trung tâm đào tạo mẫu nhí?

adminmp

Các thí sinh nhí dù nhuần nhuyễn các kỹ năng catwalk, tạo dáng, qua trường lớp đào tạo bài bản nhưng vẫn liên tục bị loại trừ tại sân chơi Model Kid Vietnam 2019. Lý giải cho điều này, nhiều lần nhà sản xuất và các vị giám khảo đã nêu lên tiêu chí của cuộc thi: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, đề cao những mẫu nhí tự tin, dạn dĩ, thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ vốn có của lứa tuổi.

Sau tập 1 lên sóng, Model Kid Vietnam 2019 đã nhận về những luồng ý kiến nhiều chiều. Trong khi phần đông phản hồi cho rằng chương trình đang góp phần định hướng lại thị trường người mẫu nhí một cách tích cực thì một bộ phận nhỏ khán giả lại không đồng tình với tiêu chí loại trừ thí sinh của các huấn luyện viên (HLV) trên “ghế nóng”. Đặc biệt, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối đối với những trường hợp các thí sinh nhí bị loại một cách không thích đáng.

Đơn cử là trường hợp cô bé Trần Việt Song Thư mang SBD 398. Đã từng học catwalk ở trung tâm người mẫu, phần thi của Song Thư dù “chiêu đãi” người xem bằng những bước đi kỹ thuật nhưng cô bé vẫn không thể bước vào vòng tiếp theo. Không riêng gì Song Thư, nhiều cô bé, cậu bé đến với Model Kid Vietnam 2019 vốn được học qua các lớp đào tạo người mẫu cũng thể hiện sự cứng nhắc trong những bước catwalk. Hầu hết các em đều đã được lập trình sẵn hệt như những chú robot theo một khuôn mẫu, từ động tác, cử chỉ đến cả thần thái lạnh lùng,… Và điều này đến từ định hướng sai lệch trong cách giảng dạy, đào tạo của các trung tâm khi hướng dẫn các em trở thành những người mẫu chuyên nghiệp giống như người lớn mà bỏ qua một điều quan trọng rằng “Trẻ em phải là trẻ em.”

Chứng kiến nhiều trường hợp tương tự diễn ra tại buổi casting, HLV Tuyết Lan không ngần ngại chia sẻ mối lo ngại dành các các “thiên thần nhí”: “Hiện nay, nhiều trung tâm đã dạy cho các bé trưởng thành quá sớm. Khi đi catwalk, các bé thích chống nạnh, lắc hông, đánh tay quá nhiều. Lan nghĩ rằng chưa chắc các bé đã hiểu những động tác này là gì và điều đó có thực sự đẹp hay không. Vì vậy, qua chương trình này, các bé cần phải hiểu được rằng ở độ tuổi của bé, các bé không nên làm như vậy.” Đồng tình với Tuyết Lan, host Thúy Hạnh cho rằng: “Một cô bé 7 tuổi không nên trình diễn như cái cách của cô bé 17 tuổi. Bé tự tin khi bé là chính mình. Bé tự tin khi bé sống đúng độ tuổi của bé.”

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thấu hiểu được những vấn đề mang tính thời sự này trong thời buổi hiện tại. Dễ dàng nhận thấy, việc các ông bố bà mẹ tạo điều kiện cho con được học tại các trung tâm người mẫu là vì nhận thấy nghề nghiệp mẫu nhí có thể mang đến cho các con hào quang và sự nổi tiếng một cách dễ dàng. Ngoài ra, vì muốn các con được phát triển năng khiếu, hình thành đam mê ngay từ nhỏ, nhiều phụ huynh không ngần ngại bỏ thời gian và tiền của để đăng kí cho con tham gia các khóa học người mẫu tại các trung tâm. Đối với các cô bé, cậu bé mẫu nhí đang mơ ước chinh phục sàn diễn trong tương lai, những lớp học này được ví như những viên gạch đầu tiên để giúp các bé hình thành nền tảng, tiến gần hơn đến sự nghiệp tương lai. Do đó, một bệ phóng hoàn hảo sẽ giúp các cô bé, cậu bé có niềm đam mê và mong muốn phát triển trong lĩnh vực người mẫu đạt được mơ ước của mình.

Hiểu được những hạn chế của các trung tâm đào tạo người mẫu nhí cùng mong muốn giúp các bé được hình thành và phát triển khả năng người mẫu tại một sân chơi thời trang chuyên nghiệp đúng lứa tuổi, Model Kid Vietnam đã ra đời. Đây là món quà dành tặng cho các bé và là thông điệp ý nghĩa gửi đến các vị phụ huynh: “Trẻ con phải là trẻ con, không thể dạy trẻ con đi catwalk hay trang điểm đậm như người lớn.”

M.T