Tái bản “Tủ sách Học làm người” của học giả Hoàng Xuân Việt

adminmp

Với mong muốn bảo tồn và giới thiệu lại những tác phẩm tiêu biểu trong dòng sách Học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt đến với các bạn trẻ, Sống – Thương hiệu sách tác giả Việt đã tiếp cận và xuất bản một số tựa sách tiêu biểu trong “Tủ sách Học làm người” của thầy.

Tháng 4/2019, Sống đã chính thức phát hành 6 cuốn trong “Tủ sách Học làm người” với các tựa sách: Nên thân với đời; Đầu tư tương lai; Thuật nói chuyện hằng ngày; Thuật hay ảnh hưởng hay truyền bá tư tưởng; Thinh lặng cũng là hùng biện; Thất nhân tâm.  

Thuật nói chuyện hằng ngày của Hoàng Xuân Việt

Quả thật, với hơn 300 đầu sách, nhất là những đầu sách trong tủ sách Học làm người, học giả Hoàng Xuân Việt xứng đáng là “quái kiệt” trong làng sách. Những tác phẩm của ông đã được rất nhiều thế hệ học trò trân trọng, lưu giữ như những tài sản quý giá.
Sách của học giả Hoàng Xuân Việt có giá trị rất cao khi chuyển tải nhiều kiến thức thực tiễn cho đời sống, chứa đựng những bài học quý giá về các kỹ năng cũng như đức tính cần rèn luyện để hoàn thiện bản thân, đạt được thành công.

Nên thân với đời của Hoàng Xuân Việt

Trong các đầu sách của mình, tác giả đặc biệt đề cao tư tưởng rèn luyện bản thân mỗi ngày, không chỉ cả trong cách sống, cách làm việc, các ứng xử trong xã hội mà còn cả trong tâm tính của mỗi người. “Mình có yên tâm đi đã, tư tưởng mới thâm trầm, lời nói mới cương quyết, hành động mới đắc lực và sống như vậy mới thật sự hữu ích cho mình và cho xã hội.” – Trích cuốn “Nên thân với đời”.
Những giá trị tư tưởng và bài học của thầy Xuân Việt có thể nói không bao giờ là cũ. Dù ở bất cứ thời kỳ nào, con người, nhất là người trẻ đều cần vun đắp những kiến thức, những kỹ năng mềm cần thiết để sống một cuộc đời thành công và có ý nghĩa.

Đầu tư tương lai của Hoàng Xuân Việt

“Trong mỗi cá nhân, tạo hóa ban cho một số khả năng nào đó hoặc tiềm tàng hoặc hiện lộ nhờ những cơ hội thuận tiện thúc đẩy. Tôi có dịp nói trước công chúng tuy tôi nói dở mà bắt buộc phải nói mãi sau cùng bớt ấp úng. Còn trong bạn biết đâu bạn đã có sẵn mầm mống hùng biện, sáng tác, chỉ huy, hội họa, điêu khắc… Chúng như con diều, bạn hãy làm gió cho chúng cất cánh. Chúng là hòn ngọc đang bị bụi cát che lấp đấy, bạn hãy khai quật chúng lên. Muốn vậy bạn hãy tin rằng giá trị đời bạn, bạn có thể xây dựng được và phải xây dựng nữa. Bạn phải cả tin rằng bạn không tự xây dựng thì không ai xây dựng cho bạn cả.” – Trích cuốn “Đầu tư tương lai”


Khi nói về giá trị các tác phẩm của vị học giả uyên bác, MC Thanh Bạch, một trong những học trò thân cận và thành danh, đã chia sẻ rằng: “Các bài giảng cùng hàng trăm đầu sách dạy làm người của thầy, đều được truyền đạt súc tích, dễ hiểu, không hề khuôn sáo, sách vở hay nặng về lý thuyết… Sách vở ngày nay vô cùng, nhưng tôi dám cả quyết rằng những tác phẩm của thầy Việt vẫn nguyên giá trị giáo dục, giá trị thời sự và chắc chắn sẽ giúp khai trí cho người trẻ, để họ hoàn thiện bản thân, có tương lai vững chắc, xán lạn…”.
Với việc tái bản “Tủ sách Học làm người”, Sống hy vọng là một cầu nối chia sẻ đến các bạn trẻ ngày nay những bài học, những kỹ năng sống cần thiết và hữu ích.
Một số trích đoạn nổi bật
“Thực vô cùng tai hại, thưa bạn, nếu đời ta thiếu tự học, tự rèn luyện, tự lo. Cái gì hỏng không biết sao chứ kiếp sống của mình mà hỏng thì bạn có thấy não nề không? Sống nếu không để lại cho đời cái gì bất hủ, không được ai khắc tên, để lại sau khi mình qua đời, thì ít ra cũng khỏe thân, vui vẻ thì mới đáng sống phải không bạn?” – Nên thân với đời.

“Làm việc có chương trình. Thưa bạn! Mấy tiếng ấy là con đẻ của óc tổ chức công việc theo khoa học. Làm việc có chương trình là suy nghĩ trước việc mình sắp làm, thấy trước mục tiêu, đo lường trước các trở lực, đề phòng trước các thất bại. Tinh thần khoa học áp dụng vào công việc là tinh thần tổng hợp và phân tích. Nhờ tổng hợp người ta nhìn thống quán toàn bộ công việc. Nhờ phân tích người ta mổ xẻ công việc trong chi tiết. Hai tinh thần đó là kim chỉ nam để lập các chương trình hành động.” – Đầu tư tương lai.

“Phải chân thành nhận rằng, trong cuộc sống, chúng ta không khỏi có lần khoe khoang mình, tự quảng cáo mình để ăn mày sự khen ngợi của kẻ khác. Đó là chúng ta đã phạm trọng tội đối với luật nói chuyện, thứ luật buộc sự quên mình. Chúng ta không thích người hay khoe, cho rằng họ nói những điều không ăn thua gì tới mình. Vậy xin bạn hãy tiết kiệm những lời khoe khoang. Bạn là người có giá trị, bạn hãy tự biết. Đời có biết bạn hay không, mặc họ. Bạn hãy tập quân tử cả những khi bạn bị kẻ khác hiểu lầm. Thời gian bị hiểu lầm sẽ qua đi, và người ta sẽ hiểu rõ bạn bằng lời nói đứng đắn và nếp sống đường hoàng của bạn: Uy tín của bạn sẽ gia bội. Nếu bạn sợ người ta không biết mình và đi khoe khoang, vô tình bạn dìm danh giá của bạn xuống vũng bùn.” – Thuật nói chuyện hằng ngày.
“Ta nên tập cho thành thói quen sự nhường lời lúc tranh biện. Hãy để đối phương nói cho hả hê. Đừng tỉ mỉ bắt vẻ họ với óc “vạch lá tìm sâu”. Biết bỏ qua những sơ sót nhỏ nhặt của họ mà chỉ nghĩ đến các điểm tối hệ thôi. Thay vì trình bày trực tiếp vấn đề ra vẻ chỉ giáo, ta trình bày bằng cách hỏi và lái đối phương đến chỗ đồng ý với ta. Trong thư từ cũng như khi đàm thoại, tránh quảng cáo “cái tôi” đã đành mà còn đừng vô tình tỏ ra chưng tài khoe đức. Luật “ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên” của người xưa là “luật vàng” cho tu đức mà cũng là “luật vàng” cho xử thế. Trên xe buýt, máy bay, xuống đò, hay nơi nào đông người, ta nhường nhịn. Đừng khi nào tin rằng càng cãi dữ càng thuyết phục được ai. Cuộc tranh luận nào mà không đập nhau. Mỗi bệnh bị tự ái cho mang cặp kính màu nhìn đối phương khó bề nhận thức khách quan.” – Thất nhân tâm.

Thinh lặng cũng là hùng biện của Hoàng Xuân Việt

“Người thinh lặng hùng biện bằng phong cách sống giản dị… Trong cuộc giao tiếp hằng ngày ai có cặp mắt tế nhị đều nhận thấy những người ăn nói cầu kỳ, có cử chỉ khách sáo rườm rà thường bị khinh rẻ. Bệnh cầu kỳ, khách sáo một phần lớn do thiếu đạo đức nội tâm. Người ta lo giá trị ngoài mặt, đánh giá con người ở bộ áo, ô tô, nhà lầu mà không nhận thấy chân giá trị của con người là lương tâm thánh đức. Một khi đã xa lạc lý tưởng cao đẹp này thì người ta chỉ còn biết sống với nhau bằng các công thức xã giao rườm rà chừng nào hay chừng ấy. Trong các cung cách giao thiệp ấy người già dặn nhận thấy một tâm hồn trống rỗng, non nớt, nghèo đói về tinh thần. Trái lại ai học hành cao, giàu nhân đức mà ăn nói, hành động giản dị được người sâu sắc nhận là kẻ đáng phục.” – Thinh lặng cũng là hùng biện.


“Xưa nay, bất cứ trong lĩnh vực nào, lời nói dưới hình thức đàm thoại cũng vô cùng quan trọng nên không phải vô lý mà Sainte Beuve1 có lời nói: “Hùng mạnh hơn đế vương, kinh khủng hơn một đạo binh”. Bạn cứ tưởng tượng giùm tôi hậu quả của những cuộc đàm thoại trong lĩnh vực ngoại giao của các chính phủ ngày nay thì ý thức được tầm quan trọng của ba tấc lưỡi.” – Thuật gây ảnh hưởng hay truyền bá tư tưởng.
M.Thuận