Shosha được ấn hành năm 1978, vào thời điểm Isaac Bashevis Singer nhận giải Nobel Văn học – giải thưởng, mà như Singer viết trong diễn từ, là “sự thừa nhận đối với ngôn ngữ Yiddish – một ngôn ngữ chịu cảnh tha hương, ngôn ngữ không có đất, không có biên cương…”.
Hơn cả một chuyện tình đẹp và khó lý giải, tác phẩm này chất chứa hoài niệm của tác giả dành cho khu Do Thái (ghetto) trên đất Ba Lan: phố Krochmalna – Warszawa trước họa diệt chủng thời Đức quốc xã.
Từ một truyện in dài kỳ trên tờ Jewish Daily Forward năm 1974, bốn năm sau, được tập hợp xuất bản thành tiểu thuyết, có tựa Shosha. Tác phẩm chất chứa hoài niệm đẹp về Krochmalna, nơi nuôi dưỡng cuộc tình đẹp giữa một nhà văn nổi danh gốc Do Thái đã lưu vong sang Mỹ với người tình bé mọn.
Khu phố chìm khuất với những cuộc đời nhỏ nhoi, trôi nổi đặt trong tương quan cuộc ra đi và lần về mối dây gắn kết với văn hóa cộng đồng của những trí thức, nghệ sĩ Do Thái; làm sống dậy một bối cảnh ly tán, ngổn ngang. Có thể xem Shosha là tác phẩm tiêu biểu của Isaac Bashevis Singer về chủ đề người Do Thái lưu vong.
Isaac Bashevis Singer viết về cuốn sách này: “Cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn không có ý định phác họa toàn bộ cộng đồng Do Thái Ba Lan vào thời kỳ trước Hitler. Đây là câu chuyện của vài nhân vật được xác định rõ ràng, trong những hoàn cảnh cũng được xác định rõ ràng. Tờ Jewish Daily Forward đã đăng nó nhiều kỳ trong năm 1974, dưới nhan đề Soul Expeditions. Joseph Singer, cháu tôi, đã dịch phần lớn các chương sang tiếng Anh. Tôi đã đọc những chương khác cho Alma vợ tôi và Dvorah Menashe thư ký của tôi chép lại. Tôi xin một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn và tình trìu mến đối với họ.”
VỀ TÁC GIẢ
ISAAC BASHEVIS SINGER là nhà văn Mỹ gốc Do Thái/Ba Lan.
Ông sinh năm 1902, tại ngôi làng Leoncin, Đế chế Nga, nay thuộc Ba Lan; trưởng thành trong cộng đồng nói tiếng Yiddish, học trường dòng ở Warszawa.
Năm 15 tuổi, ông về quê ngoại ở miền Đông Ba Lan. Đến năm 1921, quay lại Warszawa nghiên cứu văn chương, triết học, tâm lý học và bắt đầu viết văn, dịch thuật.
Năm 1935, Đức Quốc xã đe dọa trực tiếp đến cộng đồng Do Thái, đặc biệt là giới trí thức, Isaac Bashevis Singer di cư sang Mỹ. Tại Mỹ, ông được giới phê bình chú ý với những cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn và hồi ký xuất sắc, đặc biệt về chủ đề người Do Thái lưu vong mà Shosha là tác phẩm tiêu biểu.
Những tác phẩm khác của Singer: Satan in Goray (1935), The Family Moskat (1950), Magician of Lublin (1960), The Slave (1962), The Estate (1969) hay Enemies, a Love Story (1972), The King of the Fields (1988), Meshugah (1994), A Crown of Feathers and Other Stories (1974),…
Ông nhận giải sách Quốc gia Mỹ năm 1970, 1974 và giải Nobel Văn học năm 1978. Ông mất năm 1991 tại Florida, Mỹ.